Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

[KH-CN] -Vi xử lý Broadwell của Intel có gì mới?

Broadwell là thế hệ mới nhất trong dòng CPU Core của Intel. Loại vi xử lý này sẽ có mặt trên các mẫu laptop và máy tính để bàn trong vòng 18 tháng tới. Dù chưa có mặt song Broadwell đã khiến giới công nghệ tỏ ra khá háo hức.

Broadwell là thế hệ thứ 5 của dòng vi xử lý Intel Core, đem đến hiệu năng mạnh mẽ trên các máy tính sắp ra mắt vào cuối năm nay. Vậy dòng chip này có gì mới so với đàn anh Haswell ?

Tick tock

Chu kì nâng cấp sản phẩm vi xử lý Core của Intel là 18 tháng. Tuy nhiên, không phải thế hệ mới nào cũng được thiết kế lại hoàn toàn từ đầu. Thay vào đó, công ty đã áp dụng kiểu nâng cấp "tick tock" cho Core từ năm 2007.

Theo đó, nếu vi xử lý của năm nay sử dụng một cấu trúc hoàn toàn mới thì thế hệ của năm sau sẽ là một phiên bản thu gọn của cấu trúc này. Việc thu nhỏ cấu trúc của vi xử lý khiến chip hoạt động hiệu quả hơn và có thể là mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Intel Haswell là một phiên bản "tock" – tức mang trong mình một cấu trúc mới hoàn toàn. Vì vậy, Intel Broadwell sẽ được nâng cấp theo hướng "tick" – một phiên bản thu nhỏ của Haswell.


Vậy Broadwell sẽ nhỏ hơn cỡ nào? Quá trình thu nhỏ không phải là làm cho kích thước vật lý của con chip thực sự nhỏ đi, mà là của các bóng bán dẫn tạo nên bộ não của CPU.

Intel Haswell sử dụng các bóng bán dẫn 22nm, trong khi bóng bán dẫn của Broadwell sẽ là 14nm. Vào năm 2006, thế hệ Core đầu tiên có kích thước bóng bán dẫn lên tới 65nm. Như vậy, công nghệ sản xuất vi xử lý của Intel nói riêng và của cả ngành công nghệ nói chung đã trải qua những bước tiến rất đáng kể.

Để giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về kích thước của các bóng bán dẫn, một sợi tóc người bình thường dày khoảng 90.000nm. Như vậy, kể cả các thế hệ vi xử lý cũ cũng có bóng bán dẫn hết sức nhỏ. Chúng là những chiếc công tắc hoạt động cùng nhau để thực hiện những chức năng cực kì phức tạp mà vi xử lý phải làm và có hàng tỉ bóng bán dẫn trong một CPU hiện đại.

Nhỏ hơn để làm gì?

Hãng sản xuất tự hào cho biết Broadwell sẽ hoạt động hiệu quả hơn 30% so với Haswell, tức là tiêu thụ năng lượng ít hơn 30% nhưng lại đem đến hiệu năng nhỉnh hơn một chút ở cùng một tốc độ xung nhịp.

So với thế hệ thứ 3 Ivy Bridge, Haswell đã có những cải tiến rất mạnh bạo về hiệu suất, giúp cho các laptop Windows của năm ngoái có được thời lượng pin lâu hơn khá nhiều. Nhìn vào Haswell , chúng ta có thể dự đoán những gì mà Broadwell có thể làm được.

Ví dụ, theo thông số kĩ thuật chính thức của Apple, MacBook Air 13 inch của năm 2012 sử dụng chip Ivy Bridge và có thời lượng pin là 7 tiếng khi lướt web. Trong khi đó, phiên bản MacBook Air hiện nay dùng chip Haswell có thể trụ được 12 tiếng, tức nhiều hơn 5 tiếng. Nếu được trang bị Broadwell, người dùng có thể sử dụng laptop trong vòng 15 tiếng mới phải sạc pin.


Tại sao Broadwell sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới

Thời lượng pin được cải thiện không phải là yếu tố quan trọng nhất mà Broadwell thực sự hướng tới. Thay vào đó, hiệu suất được nâng cấp sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về màn hình laptop.

Trong những năm gần đây, laptop thường đi sau điện thoại và máy tính bảng xét về công nghệ màn hình. Nếu bạn có một chiếc điện thoại cao cấp và một chiếc laptop tầm trung, rất có khả năng chiếc điện thoại của bạn có màn hình độ phân giải cao hơn laptop. Nếu bạn dành thời gian nghĩ về điều này, bạn sẽ thấy được sự vô lý.

Hiệu suất cao hơn sẽ giúp laptop có thể sở hữu màn hình độ phân giải cao hơn mà không cần pin dung lượng lớn hay phải hy sinh thời lượng sử dụng. Tất nhiên, chúng ta có lẽ vẫn chưa thể sở hữu laptop dưới 10 triệu đồng với màn hình siêu nét, nhưng đây vẫn là bước khởi đầu đáng hoan nghênh.

Broadwell sẽ mở cánh cửa cho những chiếc laptop như MacBook Air màn hình Retina đến với thị trường. Thực tế, chiếc laptop này đã phải lùi lịch ra mắt vì phải "chờ đợi" chip mới của Intel. Điều này khiến các fan của Apple vừa hụt hẫng vừa háo hức, khi bản cập nhật của MacBook Air vào tháng 5/2014 chỉ tăng duy nhất tốc độ xung nhịp lên thêm 0.1GHz. Gần như không có lý do nào để khách hàng khi đó nâng cấp lên máy mới.


Đồ họa thì sao?

Đồ họa cũng là một khía cạnh mà Intel Broadwell được nâng cấp. Vi xử lý Intel Core không chỉ là CPU mà còn được tích hợp chip đồ họa. Giống như các vi xử lý Intel Core khác, hiệu năng đồ họa sẽ phụ thuộc vào từng model. Khoảng cách giữa Core i3 và Core i7 là khá lớn. Tuy nhiên, cả dòng Core thế hệ 5 sẽ được áp dụng một vài nâng cấp lớn.

Với laptop, chip Broadwell sẽ sử dụng đồ họa HD 5500, HD 6000 và Iris HD 6100. Các chip đồ họa này sẽ sử dụng cấu trúc lõi giống như các mẫu Haswell hiện tại, nhưng có nhiều đơn vị xử lý hơn 20%. Theo một số nguồn tin, GPU mới sẽ có mức hiệu năng tăng 40%, song mọi thông tin vẫn cần được kiểm chứng khi Broadwell chính thức đặt chân lên thị trường.

Khi nào Broadwell sẽ có mặt?

Intel cho biết: "Chúng tôi kì vọng các thiết bị Broadwell đầu tiên sẽ lên kệ vào cuối năm nay và tới năm 2015 sẽ có nhiều sản phẩm và nhà sản xuất hỗ trợ hơn".

Không phải tất cả các loại chip Broadwell sẽ cùng ra mắt vào một thời điểm. Thực tế, có 3 loại chip Broadwell chủ yếu là Y, U và H. Cách phân loại này cũng xuất hiện trên dòng Haswell.

Dòng chipset Y được thiết kế cho các thiết bị sử dụng mức năng lượng siêu thấp và mát tới mức không cần quạt. Chúng sẽ gần như không thể chịu nổi môi trường làm việc của laptop, thậm chí mở vài bức ảnh RAW lớn cũng là một công việc quá sức. Loại chip này có thể sẽ có trên các thiết bị Broadwell đầu tiên trên thị trường.


Loại quan trọng nhất đối với người dùng thông thường là Broadwell U. Đây là loại chip sẽ được trang bị trên các Ultrabook năm 2015 và thế hệ MacBook Air tiếp theo. Dù vẫn là chipset tiết kiệm điện nhưng chúng có thể xử lý các video nặng và chỉnh sửa ảnh khá dễ dàng.

Đối với những "tay chơi" thực sự, Broadwell H sẽ là sản phẩm dành cho họ. Đây là dòng chip siêu mạnh được sử dụng trên các máy tính chuyên chơi game, vốn người dùng thường không mấy quan tâm về mức tiêu thụ điện.

Tuy vậy, phải tới năm 2015 các loại chip Broadwell quan trọng mới ra mắt. Intel từng gặp nhiều khó khăn khi thu nhỏ CPU Haswell 22nm xuống Broadwell 14nm và khiến gây ra một số sự chậm trễ (như MacBook Air 12 inch Retina). Nhiều nhà sản xuất laptop có thể sẽ không nâng cấp sản phẩm cho tới năm 2015.

Sau Broadwell sẽ là gì?

Intel không bao giờ dậm chân tại chỗ. Skylake sẽ là thế hệ nối tiếp của Broadwell và theo trình tự "tick tock", vi xử lý này sẽ có cấu trúc mới nhưng vẫn sử dụng bóng bán dẫn 14nm như Broadwell. Một số nguồn tin cho biết hiệu năng đồ họa có thể được cải thiện tới 50%.

Việt Dũng

Theo TechRadar


0 nhận xét:

Đăng nhận xét