TT - Hai lần vỡ thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai) là sự việc quá khủng khiếp đối với người dân ở đây.
Khu vực đập thủy điện bị vỡ - Ảnh: Thái Bá Dũng Và nếu nhìn sâu hơn vào vấn đề sẽ dễ dàng nhận ra một thực tế: thủy điện Ia Krel chỉ là “giọt nước làm tràn ly”, là kết quả tất yếu phải xảy đến của một quá trình đầu tư ồ ạt các công trình thủy điện. Tây nguyên của những năm 2000 trở đi đã trở thành vùng đất màu mỡ để các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư vào thủy điện. Thủy điện ở Tây nguyên nhiều đến nỗi có người nói vui rằng chỉ cần cầm tấm bản đồ các dòng sông và chấm bút vào bất kỳ vị trí nào cũng trúng ngay một nhà máy thủy điện! Năm 2009, Bảo Long Gia Lai - một đơn vị chuyên kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng, mua bán linh kiện xe cơ giới - được tỉnh Gia Lai cấp phép xây thủy điện Ia Krel 2. Khi công trình thủy điện Ia Krel 2 chưa đâu vào đâu, Bảo Long Gia Lai được cấp tiếp giấy phép làm ba dự án thủy điện khác (sau khi xảy ra sự cố vỡ đập thì các dự án này bị tỉnh Gia Lai thu hồi). Sau hơn hai năm ào ạt thi công, rạng sáng 12-6-2013, thân đập Ia Krel 2 bất ngờ vỡ tung. Chính ông Nguyễn Ngọc Ẩn - phó giám đốc Bảo Long Gia Lai - cũng phải chua chát: “Chúng tôi không thể ngờ, không lường hết được sự việc, chúng tôi chưa có kinh nghiệm”. Còn các cơ quan quản lý nhà nước thì sao? Họ cũng phải cay đắng kết luận: Bảo Long Gia Lai lần đầu tiên làm thủy điện nên chưa có kinh nghiệm, thi công sai kỹ thuật, làm ẩu! Tuy kết luận như thế nhưng UBND tỉnh Gia Lai lại tiếp tục để Bảo Long Gia Lai làm tiếp thủy điện Ia Krel 2. Và hậu quả như mọi người đã biết: sáng 1-8-2014, Ia Krel 2 lại vỡ lần thứ hai. Nhìn tiền của trôi theo dòng nước xiết, đại diện Bảo Long Gia Lai lại nói trong chua chát: “Chúng tôi không lường trước đến tình huống này, lũ về lớn quá!”. Một nhà đầu tư nếu nhảy vào một lĩnh vực mới mà mình không có kinh nghiệm, khi gặp thất bại họ chỉ nhận lấy thất bại phần lớn về mình. Nếu có chăng thì có thể là những thiệt hại khác cho người lao động, cho xã hội với mức độ không gây ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Riêng với thủy điện thì khác, việc không có kinh nghiệm sẽ uy hiếp trực tiếp đến tính mạng của cả cộng đồng dân cư sống ở hạ du. Chính vì vậy, lĩnh vực thủy điện là nơi không được phép cẩu thả, từ nhà đầu tư cho đến cơ quan nhà nước quản lý lĩnh vực này. Chẳng thế mà xưa nay người ta vẫn thường nói thủy điện là “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu dân. Cái giá mà Bảo Long Gia Lai phải trả là hàng chục tỉ đồng trôi theo dòng nước. Nhưng dù sao họ cũng còn may mắn, đó là đã không có một sự mất mát nào về con người. Nếu chẳng may điều không ai muốn - chết người - xảy ra, liệu bao nhiêu cuộc họp rút kinh nghiệm, bao nhiêu quyết định kỷ luật... có thể trả lại được mạng người? Câu chuyện của Bảo Long Gia Lai với đập thủy điện Ia Krel 2 hai lần bị vỡ là hồi chuông cảnh tỉnh các nhà đầu tư không có kinh nghiệm, đó là hãy rút lui trước khi quá muộn. Nhưng hồi chuông cảnh tỉnh lớn hơn nữa, đó là dành cho các cơ quan quản lý nhà nước phụ trách việc cấp phép cho thủy điện. Qua vụ thủy điện Ia Krel 2, bên cạnh vấn đề trách nhiệm còn thấy thêm một điều là từ nhà đầu tư tới cán bộ công chức nhà nước liên quan đến vụ này đã “giỡn mặt tử thần”, chưa thật sự xem trọng cuộc sống và tính mạng của người dân. THÁI BÁ DŨNG |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét