Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

[Nhà đất] -Quản lý hiệu quả chất thải rắn góp phần vào phát triển bền vững

(Xây dựng) - Ngày 11/8, Hội thảo với chủ đề Quản lý tổng hợp chất thải rắn tại Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp liên quan.

84% lượng CTR đô thị được thu gom

Báo cáo tại Hội thảo cho biết, đến tháng 12/2013, cả nước có 770 đô thị với tỷ lệ dân số khoảng 33,47% tổng số dân, tức khoảng 30,1 triệu người. Tổng lượng CTR phát sinh tại các đô thị trên cả nước ước khoảng 31.500 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom trung bình khoảng 84%, đáp ứng mục tiêu Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2015 tỷ lệ thu gom sẽ đạt 85%.

Hiện nay, biện pháp xử lý CTR đô thị chủ yếu tập trung vào 3 loại hình công nghệ chính là: Chôn lấp, sản xuất phân vi sinh và đốt. Đến cuối năm 2013, cả nước có khoảng 458 bãi chôn lấp (quy mô trên 1ha) với tổng diện tích khoảng 1.813,5ha. Trong đó, 121/458 bãi chôn lấp hợp vệ sinh với diện tích khoảng 977,3ha. Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh phần lớn là bãi rác tạm, lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường và chiếm diện tích đất lớn.



CTR đang đặt ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển đô thị Việt Nam.

Dự báo vào năm 2015, tổng khối lượng CTR ở Việt Nam sẽ đạt khoảng 29 triệu tấn/năm và năm 2020 sẽ là 39,9 triệu tấn/năm. Hiện nay, cả nước có khoảng 26 nhà máy xử lý CTR, tập trung đang hoạt động tại một số đô thị, trong đó có 3 nhà máy sử dụng công nghệ đốt, 3 nhà máy sử dụng kết hợp cả đốt và sản xuất phân bón compost. Các nhà máy còn lại sử dụng công nghệ sản xuất phân compost kết hợp chôn lấp đã được đầu tư xây dựng và đi vào vận hành, với tổng công suất xử lý theo thiết kế khoảng 6.000 tấn/ngày.

Theo TS Mai Ngọc Tâm - Phó Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng), nhiều nước trên thế giới đang tìm kiếm và phát triển các công nghệ xử lý CTR không chôn lấp và các công nghệ xử lý CTR tận thu năng lượng. Đây được xem là giải pháp tối ưu, vì CTR có nhiều tiềm năng về năng lượng. Do đó, chúng ta phải hành động quyết liệt hơn để đẩy mạnh và phát triển hơn nữa các công nghệ xử lý CTR tận thu năng lượng, để biến những tiềm năng năng lượng của CTR thành hiện thực.

Trú trọng xã hội hóa trong xử lý CTR

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho rằng, hiện nay cùng với hoạt động của các đơn vị nhà nước về dịch vụ công ích, Công ty công trình đô thị, sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, các nguồn lực ngoài nguồn ngân sách truyền thống ngày càng có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương của Nhà nước về công tác xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường nói chung, thu gom và xử lý CTR nói riêng.

Chẳng hạn, tại TP.HCM, 50% số lượng CTR đô thị được thu gom bởi các Công ty tư nhân hoặc hợp tác xã, tổ đội. Trong khi đó, tỉnh Bình Dương đã hoàn thành, đưa vào vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn thành phân compost, công suất 420 tấn/ngày tại Nam Bình Dương, sử dụng nguồn ODA Phần Lan. TP. Hà Tĩnh cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong nước nghiên cứu, cải tạo dây chuyền công nghệ của Bỉ để hoàn thiện, đưa nhà máy xử lý rác thải tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả…

Tại khu vực nông thôn, đến tháng 12/2013, trên toàn quốc đã có 93,1% xã nông thôn hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch nông thôn mới. Theo đó, vị trí các điểm trung chuyển, điểm tập kết rác hoặc bãi chôn lấp quy mô nhỏ hợp vệ sinh đã được xác định trong các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn. Các mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý CTR nông thôn theo hình thức tự quản đã thu hút sự tham gia của nhiều đoàn thể, quần chúng như ở Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định… đã đạt được kết quả nhất định và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn hiện nay.



Hội thảo Quản lý tổng hợp CTR tại Việt Nam thu hút nhiều chuyên gia cũng như DN hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác tham gia.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nhấn mạnh: "Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là trong giai đoạn đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, hệ thống các đô thị Việt Nam phải làm tốt công tác thu gom, xử lý chất thải phát sinh, với khoảng 23 triệu tấn mỗi năm. Do đó, chúng ta cần xác định và làm rõ mô hình quản lý CTR đối với khu vực đô thị và nông thôn, đồng thời đề xuất lựa chọn công nghệ xử lý CTR phù hợp với từng quy mô, từng giai đoạn và đặc thù CTR của từng vùng, miền".

Hội thảo Quản lý tổng hợp CTR tại Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng và có tính thời sự, giúp chúng ta có một cách nhìn tổng thể về hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng, qua đó góp phần nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn và có cơ sở cho việc huy động các nguồn lực tham gia đầu tư vào lĩnh vực quản lý CTR, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Trần Đình Hà


0 nhận xét:

Đăng nhận xét