(HQ Online)- Ngày 11-4, tại TP.HCM, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm Trọng tài quốc tế tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: T.H Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia… trong các lĩnh vực có liên quan. Theo Tiến sĩ Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, mặc dù nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Thuế TTĐB lần này không nhiều, nhưng lại có nhiều luồng ý kiến phản hồi từ các đối tượng bị điều chỉnh, cũng như dư luận người dân về các dung sửa đổi. Trong đó, tập trung vào các đối tượng bị điều chỉnh chịu thuế, giá tính thuế, thuế suất, thời điểm áp dụng… Để các quy định sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật Thuế TTĐB có tính khả thi, đáp ứng được mục tiêu của dự án Luật, Ban tổ chức tổ chức hội thảo nhằm ghi nhận các thông tin đa chiều của cơ quan quản lý, các đối tượng bị điều chỉnh của người tiêu dùng… cho nội dung mới của dự thảo Luật Thuế TTĐB của Bộ Tài chính, dự kiến sẽ trình Chính phủ vào cuối tháng 5-2014. Tại hội thảo, sau khi ông Huỳnh Vương Nam, Vụ chính sách Thuế, Bộ Tài chính trình bày tóm tắt nội dung Dự thảo Luật Thuế TTĐB, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Luật Thuế TTĐB. Mặc dù có 2 luồng ý kiến phân tích về tác động của việc điều chỉnh thuế TTĐB theo dự thảo Luật Thuế TTĐB, nhưng hầu hết các ý kiến đều đồng tình với dự thảo Luật Thuế TTĐB về việc điều chỉnh thuế TTĐB, nhưng nên cân nhắc lộ trình áp dụng để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước chuẩn bị các điều kiện để thực hiện. Các nội dung đóng góp ý kiến dự thảo Luật Thuế TTĐB phần lớn tập trung vào 2 nội dung chính đó là việc điều chỉnh tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá điếu và bổ sung đối tượng chịu thuế là mặt hàng nước ngọt có ga không cồn. Đối với mặt hàng nước ngọt có ga, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này cho rằng chưa đủ bằng chứng thuyết phục việc đánh thuế đối với hàng hóa này Việt Nam vào thời điểm hiện nay, vì số lượng sử dụng không lớn, chưa rõ tác động bất lợi đối với người tiêu dùng. Trong khi đó, một số cơ quan quản lý nhà nước lại cho rằng, có đủ bằng chứng chứng minh nước ngọt có ga không cồn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vì ngoài một phần nước tinh khiết hoặc một số loại có thêm nguyên liệu tự nhiên, phần còn lại trong nước ngọt có ga không cồn đều là chất công nghiệp. Phần nhiều ý kiến của các đại biểu tập trung vào vấn đề điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá điếu. Theo dự thảo Luật Thuế TTĐB, từ năm 2015, nâng thuế suất thuế TTĐB từ 65% lên 75% và có lộ trình tăng thêm 10% mỗi năm áp dụng từ năm 2018 đối với thuốc lá điếu. Trong khi các doanh nghiệp thuốc lá và Hiệp hội Thuốc lá cho rằng việc tăng thuế theo lộ trình như trên của dự thảo Luật Thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc lá trong nước, làm gia tăng thuốc lá nhập lậu… thì các cơ quan bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các tổ chức y tế… lại đưa ra nhiều bằng chứng phân tích về tác hại của thuốc lá đối với người tiêu dùng, việc tăng thuế nhằm hạn chế tác hại này, đồng thời tăng thu ngân sách cho Nhà nước, nên cần phải điều chỉnh tăng thuế như dự thảo Luật, thậm chí ở mức cao hơn nữa. Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ cho rằng, buổi hội thảo đã ghi nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Thuế TTĐB. Ban tổ chức ghi nhận các ý kiến này để phân tích làm rõ các nội dung dự thảo Luật Thuế TTĐB có làm phát triển được kinh tế- xã hội hay không; có phù hợp với thông lệ quốc tế, có phân biệt đối xử với các ngành, hàng trong việc áp Thuế TTĐB; các quy định pháp luật, các dự liệu chứng minh có khoa học không… Thu Hòa |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét