Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

[Văn hóa-VnExpress - Du lịch] - Hai món đắng khó quên của núi rừng xứ Thanh

Ngụm canh trôi qua cuống họng đắng tê người, nhưng ai trót ăn rồi thì thương nhớ mãi.

Măng đắng của người Thái

Mưa phùn mùa xuân bắt đầu lắc rắc, người Thái ở Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước của tỉnh Thanh chỉ cần vào rừng một lúc là mang về cả bồ măng. Mưa làm cho những búp non nhọn hoắt nhú lên khỏi mặt đất. Để măng lên cao, vị đắng sẽ loãng dần lên người hái măng chỉ chọn những búp dài bằng gang tay mang về luộc.


Món măng đắng luộc có thể chấm với muối trộn hạt mắc khẻn, chấm mắm tôm hoặc chấm nước mắm pha tỏi ớt vẫn ngon. Ảnh: Phương Hòa.

Bóc vài lớp bẹ dính đất ở ngoài, cây măng trắng nõn dần hiện ra. Măng để ngâm nước muối vài giờ cho bớt vị hăng, đắng rồi cho vào nồi đổ nước xăm xắp. Chỉ cần luộc trong vòng 15 phút là có một đĩa măng ngon. Măng luộc xong rồi chẻ làm tư, xong dùng tay cầm lên mà chấm ăn ngon lành.Thứ măng có vị đắng bùi, đưa vào miệng còn nhăn mặt nhưng chỉ cần nhai một lúc, đảo qua đầu lưỡi rồi nuốt sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi của măng.

Măng đắng chấm muối trộn hạt mắc khẻn của người dân bản địa ăn là ngon nhất, cảm nhận được hết hương vị của núi rừng. Nếu không có mắc khẻn thì có thể thay thế bằng mắm tôm hoặc nước mắm pha thêm chút đường, ớt, tỏi ngon không kém.

Giữa mâm cao cổ đầy, món măng đắng giản dị nhưng ăn rồi lại nghiện, ăn hoài không biết chán. Trong mâm cơm giữa núi rừng, khách cứ thế mà đảo mắt tìm đĩa măng. Nếu không thích ăn luộc thì có thể cắt nhỏ rồi xào với thịt, cho thêm ít lá lốt ăn cũng rất ngon.

Canh đắng xứ Mường

Cây đắng thường mọc ở khen núi, khi trở thành thứ rau được người Mường đem về trồng trong vườn. Mỗi khi nhà có khách quý hoặc dịp lễ Tết, người Mường thường bứt một nắm lá để nấu canh đãi khách. So với măng đắng, mướp đắng thì món canh đắng của người Mường ở Cẩm Thủy, Ngọc Lặc còn đứng trên một bậc. Lá đắng dù tươi hay khô, nấu rồi vẫn đắng đến tê người.


Canh đắng nấu thịt gà băm nhỏ vẫn là ngon nhất. Ảnh: Tịnh Tâm.

Lá đắng có thể nấu cùng với lòng lợn, lòng bò, ruột cá, nhưng ngon nhất vẫn là thịt gà băm nhỏ. Thịt gà băm tẩm sả, ớt, mắm tôm, mẻ, thêm chút gia vị rồi để chừng 15 phút. Khi mỡ nóng già, cho hành phi thơm rồi đổ hỗn hợp trên vào, đảo đều tay cho chín tới. Sau đó, cho lá đắng thái nhỏ vào tiếp tục đảo và cho nước. Dù nấu với thứ gì, người Mường cũng cho một bát tiết vào cho có màu và có như vậy mới thành nồi canh.

Canh chín bắc ra dùng nóng, thường ăn trước bữa cơm. Sau khi uống cạn chén rượu mừng gặp mặt, chủ nhà múc một bát canh mời khách. Ai mới ăn lần đầu sẽ vừa húp vừa nhắm mắt, rùng mình kêu đắng nhưng miệng thì vẫn không thể rời bát canh.

Đã trót thương canh đắng xứ Mường rồi, nếu thèm thì chỉ còn cách xách xe máy mà chạy về với núi rừng, ăn chính món canh mà người dân nơi đây nấu, dù có nhớ công thức nấu thì cũng không thể ngon bằng.

Theo Ngoisao


0 nhận xét:

Đăng nhận xét