Đây là đánh giá được đại diện Kiểm toán Nhà nước đưa ra tại buổi họp báo công bố Báo cáo kiểm toán năm 2013 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2012. Theo Kiểm toán Nhà nước, cơ bản các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã tập trung quản lý, sử dụng vốn đầu tư tiết kiệm, đảm bảo hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát các công trình, dự án đầu tư được tăng cường. Tuy nhiên, nhiều dự án phải phê duyệt điều chỉnh quy mô, tăng tổng mức đầu tư so với quyết định ban đầu, phê duyệt dự án khi chưa xác định rõ nguồn vốn. Điển hình như, dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phải điều chỉnh và tăng tổng mức đầu tư từ 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng (tăng 2,4 lần). Hay như dự án tín dụng ngành giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia giai đoạn 1 điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 2.293 tỷ đồng lên 6.961 tỷ đồng (tăng 3 lần). Bên cạnh đó, tại nhiều công trình xây dựng tổng mức đầu tư cũng được điều chỉnh tăng, ví dụ như công trình nhà thi đấu đa năng tại tỉnh Bắc Ninh có mức điều chỉnh tăng hơn 60 tỷ đồng... Tại tỉnh Lai Châu, điều chỉnh tại 22 dự án làm tăng tổng mức đầu tư hơn 28 tỷ đồng. Tại tỉnh Phú Thọ, 3 trên 6 dự án điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư hơn 7,5 tỷ đồng. Ông Ngô Văn Quý - Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành IV cho biết: “Với công trình xây dựng nói chung và công trình giao thông nói riêng, trong quá trình triển khai thi công thì có lẽ không có một công trình nào thực hiện được đúng theo dự toán. Tuy nhiên, đối với công trình giao thông, trong thời gian qua có một số công trình tăng tổng mức đầu tư khá lớn”. “Qua kiểm toán, chúng tôi xác định rằng chủ yếu do hai nguyên nhân. Một là, chất lượng công tác khảo sát lập dự án, cũng như chất lượng công tác thiết kế dự toán là chưa tốt. Nên trong quá trình tổ chức thực hiện phải điều chỉnh quy mô, bổ sung thay đổi đã dẫn đến phải tăng tổng mức đầu tư. Thứ hai là do thời gian thi công kéo dài, làm tăng chi phí do trượt giá cũng như tăng chi phí quản lý”, ông Quý phân tích. Về vấn đề thời gian thi công kéo dài, ông Ngô Văn Quý cũng chỉ ra một số nguyên nhân như: "Công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương gặp rất nhiều vấn đề. Một số dự án thực hiện hoãn, giãn tiến độ, có dự án giãn tiến độ tới 3-4 năm, khi triển khai lại thì phải điều chỉnh. Ngoài ra còn có nguyên nhân do thời tiết, thay đổi chính sách”. “Kiểm toán Nhà nước cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị, tùy thuộc vào từng dự án để có kiến nghị phù hợp. Ví dụ như để khắc phục nguyên nhân thứ nhất, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị các đơn vị tư vấn phải tăng cường trách nhiệm để việc khảo sát phải tương đối sát với thực tế. Tránh việc khi tiến hành thiết kế và triển khai thi công lại phải điều chỉnh quy mô, thay đổi thiết kế... Đồng thời, kiến nghị các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công”, ông Quý cho biết thêm. “Việc điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư so với dự toán ban đầu khiến các cơ quan quản lý Nhà nước thiếu chủ động trong việc bố trí vốn cũng như điều hành Ngân sách. Tuy nhiên, không nên hiểu việc tăng tổng mức đầu tư này là thất thoát”.
Anh Tú
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét