QĐND - Trước hết, thông tin 6 cầu thủ Đồng Nai: Nguyễn Đức Thiện, Phạm Hữu Phát, Nguyễn Thành Long Giang, Đinh Kiên Trung, Phan Lưu Thế Sơn và Hà Niệm Tiến bị bắt khẩn cấp về tội đưa và nhận hối lộ, nói dân dã hơn là dàn xếp tỷ số trận đấu Quảng Ninh- Đồng Nai để trục lợi bất chính không còn nóng sốt như ngày nào. Đơn giản là những chuyện tương tự xảy ra ở nước ta thời gian qua thường xuyên như “chuyện thường ngày ở huyện”. Song, với giới truyền thông quốc tế sự việc trên trở thành một sự kiện nóng và là chủ đề hàng đầu. Cụ thể, hãng Reuters cho rằng đây không phải lần đầu bóng đá Việt Nam rơi vào hoàn cảnh đáng xấu hổ này, bởi nạn cá độ bất hợp pháp và dàn xếp tỷ số đã hoành hành trên dải đất hình chữ S từ lâu, không ít vụ việc đã bị đưa ra ánh sáng, một số HLV, cầu thủ đã phải đi tù, song nó như căn bệnh ung thư không tài nào triệt tận gốc. Báo chí Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Ô-xtrây-li-a cũng đồng loạt lên tiếng và khẳng định, thời gian qua bóng đá Việt Nam xảy ra không ít vụ cá độ và dàn xếp tỷ số, nhưng một bộ phận cầu thủ của nước này xem như đã nhờn thuốc. Họ lợi dụng mùa World Cup 2014, lợi dụng lúc những người hâm mộ bóng đá chân chính đang mải theo dõi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh để móc nối, dàn xếp tỷ số các trận đấu ở ngay trong nước.
Dư luận đã lên án, các phương tiện thông tin đại chúng đã mổ xẻ nguyên nhân, thậm chí không ít cầu thủ phải sống trong vòng lao lý. Nhưng, chứng nào tật ấy, bóng đá Việt Nam cứ mãi trượt dốc và chưa tìm ra một loại thuốc đặc hiệu Chúng ta có thể khẳng định, việc dàn xếp tỷ số, cá độ bóng đá ở nước ta thời gian qua không xuất phát từ hoàn cảnh, điều kiện sống. Nhìn Nguyễn Mạnh Dũng, Trần Mạnh Dũng (V. Ninh Bình) ngoài đời, khá nhiều người thèm muốn. Tương tự là Long Giang, Hữu Phát ( Đồng Nai) đều có nhà lầu , xe hơi. Đau buồn hơn việc dàn xếp tỷ số, cá độ bóng đá còn xảy ra ở mọi cấp độ, ở cả đội tuyển trẻ quốc gia, ở các cầu thủ tài năng và hiện nay cơ quan cảnh sát điều tra đang lật lại hồ sơ, xem lại không ít trận đấu, nhất là những vòng đấu ở V. League gần đây . Hơn 4 năm trước, khi V. League đang thu hút sự chú ý của công luận, cầu thủ nước ngoài đổ bộ vào sân cỏ nước ta đông như trẩy hội. Ở trong nước, tiền chuyển những cầu thủ dạng ngôi sao lên tới nhiều tỷ đồng. Có cầu thủ suốt ngày mài đũng quần trên ghế dự bị cũng nhận tiền chuyển nhượng tới 9 con số. Điều đó cũng gây ra ảo tưởng với các nhà đầu tư, muốn đánh bóng thương hiệu. Vì thế, lúc đó có quan chức bóng đá còn hào hứng tuyên bố, sẽ có ít nhất 10 đơn vị bảo trợ cho V. League, mỗi đơn vị góp 10 tỷ đồng/ năm; còn bóng đá Việt Nam hàng năm cũng phải kiếm được nhiều trăm tỷ đồng... Song, chỉ hai, ba năm sau, không ít CLB phải vội vàng giải thể; còn việc CLB nợ lương, thưởng cầu thủ xem như chuyện bình thường. V. League- giải đấu hàng đầu ở nước ta không đủ số đội tham dự như dự định. Còn số đội hạng nhất chỉ còn hai phần ba. Bóng đá nước ta đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng nhất. Đó cũng là hệ quả tất yếu của cách làm nóng vội, rũ bỏ bản sắc, truyền thống, ham ăn sổi, chạy theo ảo tưởng. Điều đó xảy ra không chỉ ở những cầu thủ hay Câu lạc bộ bóng đá cụ thể mà ở cả hệ thống bóng đá nước nhà. Là một người rất dũng cảm, sẵn sàng cắt hết mọi ung nhọt trong bóng đá, nhưng lúc này ông Nguyễn Hùng Dũng, Chủ tịch VFF cũng đã nhận ra khó khăn chồng chất và cho rằng, nạn cá cược bất hợp pháp, mua bán dàn xếp tỷ số mà các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua mới là một phần, chứ chưa phải tất cả. Ông cũng khẳng định, sẽ phối hợp với các cơ quan thực thi phát luật quyết làm trong sạch nền bóng đá nước nhà. Rõ ràng những hình ảnh xấu xí kể trên không những ảnh hưởng đến uy tín của bóng đá, của thể thao mà còn làm mai một tình cảm bè bạn trên thế giới đối với đất nước con người Việt Nam . Xấu như vậy khán giả có nên đến sân xem không?. Theo tôi, người hâm mộ nước nhà nên bày tỏ chứng kiến và những vòng đấu tới tất cả cổ động viên không đến sân xem những trận đấu còn lại của V. League mùa này. NAM THẮNG |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét