Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

[Nhà đất] -Thuận lòng dân

Quốc lộ 1 dài 2.300 km đi qua 31 tỉnh, thành đang thay đổi từng ngày với việc nâng cấp, mở rộng thành 4 làn xe, mang đến kỳ vọng sẽ kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Tuy nhiên, với tiến độ giải phóng mặt bằng như hiện nay thì việc hoàn thành dự án dự kiến vào năm 2016 sẽ rất khó đạt được.

Khó khăn trong thi công dự án này không chỉ do chậm trễ bàn giao mặt bằng mà còn ở chỗ phát sinh nhiều vấn đề khác ngoài dự kiến, nhất là những phản ứng nhất thời từ phía người dân sống dọc Quốc lộ 1. Thậm chí, Hà Tĩnh phải khởi tố nhiều đối tượng về hành vi chống người thi hành công vụ do đã xúc phạm, ném gạch, đá, chất bẩn vào lực lượng bảo vệ thi công đoạn Quốc lộ 1 qua huyện Cẩm Xuyên.

Nhưng, nhìn nhận cho cân phân thì không phải người dân đều có lỗi trong tất cả những sự cản trở hay chậm trễ này. Đúng hơn là trong nhiều trường hợp, lỗi thuộc về chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng.

Có thể thấy như trường hợp tỉnh Bình Thuận - địa phương có tới 7.542 hộ dân bị ảnh hưởng (trong đó 628 hộ phải bố trí tái định cư) nhưng đã “về đích” đúng thời hạn quy định của Chính phủ. Thậm chí, 18 hộ dân ở thị trấn Phú Long, tỉnh Hàm Thuận Bắc của tỉnh này dù không bị ảnh hưởng bởi giải tỏa mặt bằng cho Quốc lộ 1 nhưng lúc chính quyền dự kiến xây dựng trên đất đang sản xuất một khu tái định cư 2 ha dành cho các hộ bị giải tỏa trắng, họ nhanh chóng bàn giao đất trong khi chưa có quyết định thu hồi đất, chưa phê duyệt phương án bồi thường. Hay như ở Thanh Hóa, trong lúc nhiều đoạn vẫn vướng mắc thì đoạn qua huyện Tĩnh Gia lại được địa phương hoàn thành bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công đúng kế hoạch.

Bài học của tỉnh Bình Thuận hay huyện Tĩnh Gia thực ra cũng chỉ đơn giản từ việc xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của cả hệ thống chính trị cơ sở trong thời gian này, từ đó làm tốt công tác dân vận. Cho nên, cũng dễ hiểu vì sao có những nơi người dân phản ứng quyết liệt trước việc giải tỏa dù vẫn thấy rõ lợi ích chung.

Năm 1967, nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ ở tỉnh Quảng Bình, Bác Hồ kể câu chuyện khi khó khăn về chi để làm hầm phòng không, có người hiến kế là cần đưa ra quần chúng bàn bạc tham gia. Triển khai ra, dân hiểu và hưởng ứng, góp gạch, góp ván, góp tre nên chỉ trong 2 ngày là làm xong tất cả hầm trú ẩn ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, đào được hàng ngàn km hào, hàng chục vạn hầm. Bác Hồ kết luận: “Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng”. Bài học “thuận lòng dân” không chỉ đúng trong thời chiến tranh mà cả trong thời bình khi mà người dân ở hàng loạt địa phương đang hiến đất để mở rộng đường hay triển khai các dự án về kinh tế - xã hội.

“Khó trăm lần dân liệu cũng xong” là vậy.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét