Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

[Xã hội] -Phối hợp ngăn chặn dịch Ebola vào Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Trong trường hợp có dịch vào Việt Nam, Bộ Y tế phải phối hợp với các bộ, ngành liên quan lên phương áp đối phó nhằm ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.


Cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ngày 11/8. Ảnh: VGP/ Thúy Hà
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Ebola chiều 11/8, đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho rằng, dịch Ebola hết sức nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm và tỷ lệ tử vong cao. Do đó, Chính phủ đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành liên quan phải quyết tâm ngăn chặn dịch vào Việt Nam.

Trong trường hợp có dịch vào Việt Nam, Bộ Y tế phải phối hợp với các bộ ngành liên quan lên phương áp đối phó nhằm ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó trưởng phòng Quan hệ lãnh sự, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho biết, hiện có 15 công dân Việt Nam đang sinh sống ở Nigieria - 1 trong 4 quốc gia đang chịu nhiều tổn thất của dịch bệnh Ebola. Trong đó, có 5 công dân ở ngoài vùng dịch và 10 công dân ở trong vùng dịch.

Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan sứ quán Việt Nam tại Nigieria, đến nay trong số 10 công dân đang ở trong vùng dịch, chưa có trường hợp nào có biểu hiệu mắc bệnh do virus Ebola.

Đánh giá về sự việc trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Cục Lãnh sự phải tiếp tục theo dõi sát các trường hợp đang sinh sống ở những nước có dịch, để kịp thời có hướng điều trị, chăm sóc cũng như cách ly, tránh tình trạng lây lan cộng đồng.

Tại 3 quốc gia còn lại (Maroc, Guinea, Siriea Leone), Bộ Ngoại giao đã có công điện đến các đại sứ quán hướng dẫn cho các công dân Việt Nam sinh sống tại đó tích cực chủ động phòng chống dịch.

Đồng thời, yêu cầu các đại sứ quán cập nhật số công dân đang sinh sống ở các quốc gia có dịch báo cáo về Bộ. Nếu có các trường hợp bất thường phải có báo cáo kịp thời. Đặc biệt, trong trường hợp xấu nhất, có thể rút nhân viên ngoại giao về nước.

Đối với ngành du lịch, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Bộ VHTTDL) cho biết, đến thời điểm này, dịch bệnh Ebola ít nhiều có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành, hiện không có du khách ở Việt Nam sang các nước Tây Phi, số người sang khu vực này chủ yếu là đối tượng xuất khẩu lao động.

Ngoài ra, số lượng khách du lịch ở Tây Phi đến Việt Nam cũng rất ít, chủ yếu là những trường hợp quá cảnh, đi qua Việt Nam để sang Thái Lan hoặc một số nước khác trong khu vực.

Đến nay, Bộ VHTTDL đã tạm dừng đưa khách đến quốc gia có dịch, đồng thời đã chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn có biện pháp phòng chống, tránh lây lan mà vẫn đảm bảo hoạt động của ngành.

Cũng tại cuộc họp, đại diện Cục quản lý lao động nước ngoài (Bộ LĐTBXH) cho biết, Cục đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp không đưa lao động sang vùng có dịch hoặc có khả năng lây lan dịch; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp nhắc nhở lao động đang ở vùng dịch cần chủ động có biện pháp phòng ngừa, nếu có vấn đề cần thông báo ngay với người sử dụng lao động, cơ quan y tế để được cách ly, hỗ trợ kịp thời.

Trước đó, 184 lao động Việt Nam trở về từ Lybia hôm 10/8 cũng đã được giám sát dịch Ebola. Tất cả những người này qua kiểm tra đều khỏe mạnh.

Thúy Hà


0 nhận xét:

Đăng nhận xét