(ĐTCK) Các quan chức của Eurozone khi tham dự diễn đàn Ambrosetti cuối tuần qua đã bày tỏ quan điểm về các động thái mới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bao gồm cắt giảm lãi suất và tiến tới mua các chứng khoán có tài sản bảo đảm. Một số nhà kinh tế thuộc khu vực tư nhân xem đây là một gói chính sách mới.
ECB gần đây vẫn giữ nguyên dự đoán dài hạn về nền kinh tế khu vực, rằng nó sẽ tiếp tục phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, các thành viên của ban lãnh đạo Ngân hàng ngày càng lo lắng về áp lực giảm giá gần đây, cũng như sự suy yếu của niềm tin người tiêu dùng. Và gói giải pháp mới nhất của ECB ra đời. Nó được thiết kế để đẩy lùi nguy cơ giảm phát và vực dậy nền kinh tế khu vực. Nouriel Roubini, Giáo sư kinh tế của Đại học New York, nói rằng, phát biểu của Chủ tịch ECB Mario Draghi tại Hội nghị các thống đốc ngân hàng trung ương ở Jackson Hole đã báo hiệu về một cuộc cách mạng trong tư duy. Ông Draghi đã nói ở hội nghị đó rằng, chính sách tiền tệ của ECB nên được hỗ trợ bằng việc tăng chi tiêu ngân sách và cải cách cơ cấu của các nền kinh tế thành viên, đặc biệt là Pháp và Italia. Ông Roubini gọi gói chính sách mới của Draghi là “Draghinomics” (từ ghép giữa tên Draghi của Chủ tịch ECB và đuôi nomics của từ economics - kinh tế học), do nó có những điểm tương tự như chính sách 3 mũi tên “Abenomics” của Nhật Bản. “Abenomics gồm 3 mũi tiến công: nới lỏng tài khóa và tiền tệ và cải cách cơ cấu. Trong khi đó, Eurozone đang ở gần với giảm phát và suy thoái. Nới lỏng tiền tệ và tài khóa, chỉ thế thôi, sẽ không thể giải quyết được vấn đề. ECB đã nhận ra rằng, cải cách cơ cấu, đặc biệt từ phía cung, mới là giải pháp căn cơ”, ông Roubini nói. Jyrki Katainen, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ của Ủy ban châu Âu (EC), từng nói rằng, các quốc gia thành viên cần kiên trì với các nguyên tắc tài khóa, vốn đã giúp ổn định lại khối tiền tệ. Nhưng trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Financial Times mới đây, ông Katainen lại gợi ý là có những “khoảng trống tài khóa” nhất định ở Eurozone, cho phép tăng chi tiêu cho đầu tư công. “Tôi rất đồng ý với ông Mario Draghi rằng, có một nhu cầu lớn là đổi mới cơ cấu để cải thiện năng lực cạnh tranh ở châu Âu”, ông Katainen nói, đồng thời chỉ ra các lĩnh vực cụ thể cần cải cách, như thị trường lao động và hàng hóa, hưu trí, và tự do hóa một số dịch vụ chuyên nghiệp ở các quốc gia khác nhau. Ông Katainen cũng cho rằng, hoạt động chi tiêu công trên khắp Eurozone cần được thực hiện để khuyến khích đầu tư. Một quan chức cấp cao Eurozone khác, cũng tham dự diễn đàn ở Italia, khẳng định: “Cải cách cơ cấu là chìa khóa của vấn đề. Những nước nào đã cố gắng làm điều này đều đang cho thấy tình trạng tốt hơn, như Irland, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Italia và Pháp nên suy nghĩ về điều này”. Các thành viên của Hội đồng Thống đốc ECB ủng hộ phát biểu của ông Draghi trong cuộc họp báo hôm thứ Năm tuần trước, nói rằng, những nhận xét của ông Draghi là tiêu biểu cho cuộc tranh luận giữa các nhà hoạch định chính sách. Tại cuộc họp báo sau tuyên bố cắt giảm lãi suất đó, Chủ tịch ECB thừa nhận đang có sự bất đồng ý kiến trong Hội đồng Thống đốc, lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái. Dù “phần lớn ủng hộ”, nhưng một số thành viên Hội đồng cho rằng, chương trình mua chứng khoán có tài sản bảo đảm có thể dẫn đến việc ECB ôm lấy quá nhiều rủi ro tín dụng từ các ngân hàng. “Một số thành viên trong Hội đồng Tthống đốc của chúng tôi ủng hộ hành động mạnh mẽ hơn so với những gì tôi đưa ra, một số khác thì tỏ ra dè dặt”, ông Draghi nói tuần trước. Trong số những người thận trọng có Jens Weidmann, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức. Quy mô của chương trình mua trái phiếu là còn phải bàn cãi, nhưng hầu hết mọi người cảm thấy còn quá sớm để đưa ra một con số chính xác. Reuters đưa tin trước quyết định của ECB rằng, Ngân hàng trung ương đang cân nhắc về việc mua 500 tỷ euro chứng khoán có tài sản bảo đảm và trái phiếu có bảo lãnh. Thay vì đề cập đến quy mô của chương trình mua tài sản này, ông Draghi nói rằng, tổng cộng các hoạt động mua tài sản và bán đấu giá các khoản vay giá rẻ tới đây sẽ nâng bảng cân đối của ECB lên mức 1.000 tỷ euro, cao nhất kể từ đầu năm 2012. ECB đã cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nhu cầu vay giá rẻ, với phiên đấu giá đầu tiên cho những khoản vay 4 năm, lãi suất cố định, sẽ được tổ chức vào giữa tháng 9 này. Jean-Claude Trichet, cựu Chủ tịch ECB nói rằng, việc hạ lãi suất có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu vay từ các chính phủ thành viên Eurozone để tăng chi tiêu cho kết cấu hạ tầng. Jean-Claude Juncker, Chủ tịch sắp tới của Ủy ban châu Âu, đã đề xuất một chương trình đầu tư công - tư quy mô 300 tỷ euro. Rất có thể, chương trình này, nếu được chấp thuận, sẽ cần đến nguồn tài chính giá rẻ từ ECB. Quang Huy (Theo báo chí nước ngoài) |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét