Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

[Xã hội] -Lính Tây Nguyên diễn tập biển đảo

QĐND Online - Cùng với Trung đoàn BB 143 (Sư đoàn 315), Trung đoàn BB 38 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) là đơn vị có “thương hiệu” trong diễn tập tác chiến biển đảo. Ở Tây Nguyên lại huấn luyện, diễn tập về biển đảo, quả thật không phải đơn vị nào cũng làm được.


Tiết mục hát múa “ Bâng khuâng Trường Sa” của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 38.

Duyên nợ với biển đảo

Tìm hiểu vì sao Trung đoàn 38 đảm nhiệm hoạt động này được biết: Trung đoàn BB 38 đã duyện nợ với biển đảo. Cựu chiến binh Đồng Phú Quế, nguyên Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 4 kiêu hãnh kể lại chuyển đi giải phóng Trường Sa năm 1975. Sau khi tham gia giải phóng Đà Nẵng 29-3-1975, nhận mệnh lệnh của trên, trung đoàn điều động Tiểu đoàn 4 gồm 300 quân cùng hai đại đội hỏa lực được lệnh phối thuộc cho Bộ tư lệnh Hải quân do Thượng úy Nguyễn Xuân Trường, chỉ huy thẳng tiến ra Trường Sa. Công tác bảo đảm hậu cần cho đơn vị khá chu đáo và đầy đủ vì sau khi tiếp quản kho quân sự An Đồn của địch để lại ta có một khối lượng lương thực, thực phẩm quân dụng dồi dào. Nhiều năm chiến đấu trên rừng nên hầu hết chiến sĩ trên tàu đều say sóng, mệt lả, tưởng không còn sức chiến đấu. Vậy mà khi có lệnh, tất cả đều vùng dậy đổ bộ lên đảo. Lúc đó tầm 19 giờ ngày 13-4-1975. Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14-4-1975, trận đánh bắt đầu. Hỏa lực của ta nã tới tấp vào trung tâm đảo và lô cốt chỉ huy địch. 5 giờ sáng, ta đã kéo cao cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột cờ của đảo. Trong trận đánh này ta bắt sống tên đảo trưởng cùng 32 sĩ quan và lính ngụy, đảo Song Tử Tây được giải phóng. Đảo Song Tử Tây bị mất, hệ thống phòng thủ trên đảo bị đe dọa. Bộ tư lệnh Hải quân ngụy vội điều quân từ Vũng Tàu ra để chiếm lại. Nhưng trong tình thế thất bại, bọn chúng không dám phản kích mà quay về tăng cường phòng thủ đảo Nam Yết, trung tâm chỉ huy của quần đảo Trường Sa. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh Hải quân ta, trong những ngày tiếp theo, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4 tiếp tục cùng các đơn vị phối thuộc tiến công giải phóng đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa lớn. Ở trên đảo kham khổ mọi bề, khổ nhất là thiếu nước ngọt và rau xanh. Những người lính đã từng đối mặt với đói, đau, đạn, địch những năm chiến đấu trong lòng địch lại động viên nhau vượt qua tất cả. Những ngày sau đó nghe thông tin trên đài bán dẫn biết toàn miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cán bộ, chiến sĩ ai cũng muốn về quê hương để chứng kiến ngày đoàn tụ nhưng đơn vị luôn khắc ghi lời dặn dò trước đi ra đảo làm nhiệm vụ của đồng chí Đoàn Khuê (lúc đó là Thiếu tướng, Phó Chính ủy Quân khu 5): “Giải phóng xong Trường Sa, các đồng chí tiếp tục nêu cao tinh thần chiến đấu, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù để bảo vệ đảo trong mọi tình huống”. Đến tháng 7, năm 1975, Tiểu đoàn 4 được điều về Quân chủng Hải quân.


Tiểu đoàn 6 hành quân diễn tập tác chiến biển đảo

Trường Sa tiếp lửa

Ngày 20-9-2014, Trung đoàn BB 38 (Đoàn Gio An) sẽ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống. Đơn vị Anh hùng LLVTND với uy danh “Trung đoàn thiện chiến Gio An) thành lập tại Khu 5, sau hàng chục năm từ Nam, ra Bắc, chiến đấu trên đất Lào và Cam-pu-chia lại trở về trong biên chế Quân khu 5. Duyên nợ với biển đảo đã đặt trọng trách trên vai cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Vinh, Trung đoàn trưởng thì 3 năm nay, cùng với tham gia nhiệm vụ thường xuyên là huấn luyện, SSCĐ, xây dựng đơn vị, tham gia các diễn tập của Sư đoàn, các tiểu đoàn của “Ba Tám” luân phiên huấn luyện, diễn tập tác chiển biển đảo. Từng đơn vị được giao tác chiến biển đảo đều có nghị quyết chuyên đề với nội dung cụ thể. Trung đoàn xây dựng hệ thống văn kiện huấn luyện, điều chỉnh, ổn định biên chế tổ chức cho đơn vị đảm nhiệm. Chỉ đạo các tiểu đoàn tuân thủ nghiêm các bước chuẩn bị, thực hành huấn luyện, rèn luyện thể lực, cơ động, hành quân, trú quân, thực hiện nghiêm nguyên tác “ba tốt” là đi tốt, ăn tốt, ngủ tốt. Đặc biệt các đơn vị đều phải có kế hoạch làm công tác dân vận trên địa bàn đứng chân. Các điều kiện cơ sở vật chất trang bị kỹ thuật như xuồng, phao cứu sinh, áo phao, bia bảng, cọc… được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tận dụng các hồ tự nhiên, đơn vị tổ chức huấn luyện theo giả định, chịu đựng áp lực khi ở trên xuồng thực hành bắn vào bờ và từ bờ ra biển. Từng động tác phải thuần thục như một chiến sĩ hải quân. Cán bộ bám sát chiến sĩ, động viên ý chí quyết tâm, tinh thần chịu đựng gian khổ, khi thay đổi địa hình chiến đấu, hành quân hàng trăm cây số đường đèo dốc.

Năm nay, Tiểu đoàn 6 ra quân huấn luyện tác chiến biển đảo trong điều kiện chuyển trạng thái ngay từ đơn vị và thực binh trong suốt quá trình hành quân. Từ Gia Lai về Bình Định, đi qua nhiều địa hình phức tạp khó khăn cho bảo đảm hậu cần, nhất là nước uống sinh hoạt hằng ngày và khai thác nguồn lương thực tại chỗ nhưng Tiểu đoàn đã đến nơi an toàn, tự tin vào trận với bài tập Đại đội bộ binh tiến công đánh chiếm lại đảo và bắn đạn thật cấp Trung đội. Vừa huấn luyện, đơn vị vừa làm tốt công tác dân vận tại thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Nạo vét kênh mương, vệ sinh thôn xóm, chợ và làm 700m mét đường bê tông; chiếu phim và tuyên truyền cho nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bà con tin yêu đón bộ đội về nhà. Các đoàn thể của xã thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, thắt chặt tình đoàn kết quân dân. Sau nửa tháng dã ngoại sát thực tế chiến đấu, tiểu đoàn đã tổ chức bắn đạn thật trên thao trường sư đoàn bảo đảm an toàn, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

Trong những ngày Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa nước ta, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 38 đều hướng về Hoàng Sa, Trường Sa. Qua các buổi sinh hoạt, toàn đơn vị luôn thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Khi Tổ quốc cần những người lính Gio An anh hùng lại lên đường như thế hệ cha anh mình năm trước. Chiều dài truyền thống 60 năm và duyên nợ biển đảo đang tiếp lửa để đơn vị tự tin đáp ứng mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bài và ảnh: HỒNG VÂN


0 nhận xét:

Đăng nhận xét